Anh Cả Neil L. Andersen nói: “Chúng tôi ở đây để thảo luận cách chúng tôi có thể giúp đỡ, nhất là các tín hữu mới, có được một kinh nghiệm tuyệt vời trong đền thờ ngay sau khi họ chịu phép báp têm vào Giáo Hội.”
Vào tháng Hai năm 2024, Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô đã công bố một buổi họp Chỉ Dẫn dành cho Giới Lãnh Đạo về Đền Thờ và Lịch Sử Gia Đình dành cho các tín hữu và các vị lãnh đạo của Giáo Hội. Một nhóm thảo luận gồm 6 vị lãnh đạo cấp cao của Giáo Hội đã nhóm họp với nhau để thảo luận các phước lành mà đền thờ có thể mang đến cho các tín hữu mới—cả những người còn mới đối với Giáo Hội lẫn những người trẻ tuổi, cũng như các tín hữu đang tích cực trở lại. Họ cũng giới thiệu một công cụ mới cho phép những người lãnh đạo và những người khác giúp các tín hữu thực hiện phép báp têm làm thay để chuẩn bị thẻ tên gia đình cho đền thờ một cách nhanh chóng và dễ dàng.
Toàn bộ video chỉ dẫn dành cho giới lãnh đạo và phần hướng dẫn thảo luận kèm theo đều có sẵn trên trang mạng của Giáo Hội bằng một số ngôn ngữ. Có thể đọc thêm thông tin về Chỉ Dẫn dành cho Giới Lãnh Đạo năm 2024 (bao gồm phần tóm lược về đoạn video).
Các Câu Hỏi Thường Gặp về Chỉ Dẫn dành cho Giới Lãnh Đạo
Nhấp hoặc chạm vào văn bản trong phần này để xem câu trả lời cho một số câu hỏi thường gặp.
Để trợ giúp những cuộc trò chuyện này, một hướng dẫn thảo luận hiện có sẵn bằng 23 ngôn ngữ.
Những người nắm giữ các chức vụ kêu gọi sau đây được đặc biệt khuyến khích nên xem, thảo luận, và cùng nhau hành động:
- Các cố vấn về công việc đền thờ và lịch sử gia đình của giáo vùng
- Các chủ tịch đoàn giáo khu, phái bộ truyền giáo, và giáo hạt
- Các thành viên của hội đồng giáo khu và tiểu giáo khu và các chủ tịch đoàn của họ
- Những người lãnh đạo công việc truyền giáo tiểu giáo khu và những người truyền giáo
- Những người lãnh đạo công việc đền thờ và lịch sử gia đình của tiểu giáo khu
- Các cố vấn về công việc đền thờ và lịch sử gia đình của giáo khu và tiểu giáo khu
- Các chủ tịch đoàn lớp học Hội Thiếu Nữ
- Các chủ tịch đoàn của nhóm túc số Chức Tư Tế A Rôn

Bản Tóm Tắt Nhanh về Chỉ Dẫn dành cho Giới Lãnh Đạo năm 2024
Dưới đây là phần mô tả một số sứ điệp từ sự chỉ dẫn dành cho giới lãnh đạo, để giúp anh chị em có một ý tưởng về những điều được thảo luận trong buổi họp này. Đây không phải là tất cả các sứ điệp được đưa ra trong phần chỉ dẫn này, vì vậy độc giả cũng được khuyến khích xem video.
Việc Tham Dự Đền Thờ Có Thể Giúp Ban Phước cho Các Tín Hữu—Nhưng Họ Cần Sự Giúp Đỡ của Chúng Ta
“Chúng tôi hy vọng rằng tất cả các thánh hữu ngày sau sẽ tích cực hơn trong công việc đền thờ,” Anh Cả Andersen đã nói trong buổi họp chỉ dẫn dành cho giới lãnh đạo, nhưng ông đặc biệt tập trung cuộc thảo luận vào các tín hữu mới. Ông hỏi: “Làm thế nào để chúng ta giúp đỡ họ trong những tuần đầu tiên?”
Chị Porter nói rằng khi là một tín hữu mới của Giáo Hội, người ta có thể đi nhà thờ một mình và có thể “cảm thấy như mình đang bắt đầu một cuộc sống mới.” Chị bày tỏ rằng việc có cơ hội đi đền thờ trong giai đoạn đầu khi mới trở thành tín hữu và tham gia vào một giáo lễ quan trọng như vậy trong nhà của Chúa có thể “giúp anh chị em cảm thấy là đang dự phần vào công việc vĩ đại của Giáo Hội, mặc dù anh chị em còn mới đối với phúc âm.”
Anh Cả Duncan bày tỏ rằng Chúa đang giao phó các vị lãnh đạo để giúp các tín hữu mới này bước vào nhà của Ngài. Chị Yee đã chia sẻ một kinh nghiệm mà chị có với một tín hữu mới mà chị phục sự, và chị chứng kiến toàn thể tiểu giáo khu quây quần xung quanh chị phụ nữ ấy để giúp chị phụ nữ ấy chuẩn bị và tham dự đền thờ—mà đã mang lại phước lành cho tất cả họ.

Đối Với Các Tín Hữu Mới, Việc Mang Cái Tên Gia Đình Đầu Tiên đến Đền Thờ Có Thể Đơn Giản Hơn Chúng Ta Nghĩ

Những người trong ban hội luận đã thảo luận về việc mang một cái tên vào đền thờ lần đầu tiên thường không phải là một vấn đề tra cứu gia phả đối với các tín hữu mới, nhưng nó có thể là một kinh nghiệm đơn giản và tuyệt vời. “Hầu hết những người mới cải đạo đều muốn được chịu phép báp têm trong đền thờ thay cho một người trong gia đình … thường thì đó là một người ông hoặc người bà,” Anh Cả Hamilton nói. “Trong tâm trí họ đã biết trước là họ muốn thực hiện giáo lễ đó cho ai.”
Các vị lãnh đạo này thảo luận thêm về tầm quan trọng của việc có một người nào ở đó để giúp họ chuẩn bị cái tên ấy, mà có thể được thực hiện ngay sau khi giấy giới thiệu đi đền thờ của họ được vị giám trợ ký vào. Anh Cả Gong nói thêm: “Chúng tôi đã đơn giản hóa tiến trình làm việc đó.”
Như các thành viên ban thảo luận đã giải thích, một nguồn lực mới hiện đã có sẵn cho các giám trợ—hoặc một người nào đó mà vị giám trợ yêu cầu phụ giúp. Với những lời nhắc đơn giản, công cụ này có thể cho phép một người nào đó giúp đỡ một tín hữu mới—kể cả việc tạo một tài khoản FamilySearch, chuẩn bị một cái tên gia đình, và đăng ký trước một giáo lễ. (Tìm hiểu thêm về công cụ này tại đây.) Ngoài một công cụ đơn giản hơn, việc làm cho sự chuẩn bị này thành một kinh nghiệm mang tính cá nhân hơn có thể giúp kinh nghiệm đó ít giống như một quy trình kỹ thuật hơn.

Anh Cả Andersen nói về việc vợ chồng ông đã làm việc siêng năng như thế nào để giúp con cái họ đi đền thờ vào đúng tuần lễ chúng lên 12 tuổi, và làm cho việc đó thành một kinh nghiệm đặc biệt, mặc dù họ ở rất xa đền thờ. Các bậc cha mẹ và các vị lãnh đạo có thể, trong một cách thức tử tế, giúp các tín hữu mới đến đền thờ càng sớm càng tốt. Đối với các em 11 tuổi và các tín hữu mới, đó là một kinh nghiệm mà họ sẽ không bao giờ quên.
“Đây sẽ luôn luôn là một kinh nghiệm khó khăn cho người tín hữu mới,” Anh Cả Duncan cảnh báo, gợi ý những cách chúng ta có thể giúp cho việc đó bớt khó khăn hơn. Như Anh Cả Gong sau đó đã đề cập: “Điều then chốt là cơ hội được ở cùng Chúa và … để lập các giao ước với Ngài.” Ông nói tiếp: “Với tư cách là người lãnh đạo, là bạn bè, là tín hữu, chúng ta đơn giản hóa tiến trình đó tối đa có thể được cho những người đi đền thờ lần đầu.”
Tiến Bước trong Phúc Âm—và Trông Chờ Chuyến Đi Đền Thờ Kế Tiếp của Anh Chị Em
Vào cuối buổi họp chỉ dẫn dành cho giới lãnh đạo, Anh Cả Andersen đã nói rằng các tín hữu luôn luôn chuyển đổi trong phúc âm—hoặc là tiến triển lên từng bước một hoặc là rời xa. Một kinh nghiệm thuộc linh hoặc sự kết nối mới có thể mang lại một khía cạnh hoàn toàn mới cho sự cải đạo cá nhân của họ. Khi nói về niềm phấn khởi mà mọi người cảm thấy khi họ chịu phép báp têm lần đầu tiên, Anh Cả Gong nói: “Anh chị em có thể có được kinh nghiệm đó nhiều lần” mỗi khi anh chị em đi đền thờ để làm phép báp têm thay cho người chết.

Ngay cả những người sống xa đền thờ cũng vẫn có thể có mục tiêu tìm kiếm một cái tên và mang cái tên đó đến đền thờ. Anh Cả Hamilton đề nghị rằng một tín hữu sống xa đền thờ vẫn có thể chuẩn bị một thẻ tên gia đình và đặt nó ở một nơi dễ thấy được, như là một lời nhắc nhở về việc đi đền thờ khi nào người tín hữu đó có thể. Chị Porter và Chị Yee nói thêm rằng những người không thể đến đền thờ trong một thời gian dài có thể chia sẻ tên của gia đình họ với những người sống gần đền thờ hơn và cũng có thể học hỏi về đền thờ và các giao ước họ lập tại lễ báp têm, để đến gần Đấng Cứu Rỗi hơn.
Kết Luận
Anh Cả Hamilton nói: “Chúng ta đang sống trong một thời kỳ chưa từng có trước đây. Cha Thiên Thượng sẽ hài lòng nhất khi thấy con cái của Ngài trong đền thờ, nhất là những người còn mới và non nớt trong phúc âm—các tín hữu mới, các em giới trẻ 11 tuổi … và ngay cả những người trở lại đền thờ sau một thời gian kém tích cực.”
Trong chứng ngôn kết thúc của mình, Chị Yee đã đề cập rằng: “[Thượng Đế] thực sự muốn con cái Ngài biết Ngài yêu thương họ biết bao, qua các phước lành giao ước mà Ngài sẽ ban cho họ.... Chúng ta có cơ hội trở thành một phần của ... tiến trình mang họ đến với Ngài.”

Chị Porter đã chia sẻ kinh nghiệm của mình khi chịu phép báp têm thay cho bà cố nội của mình sau khi gia nhập Giáo Hội. Chị nói: “[Đền thờ] là Nhà của Chúa.” “Ngài ngự ở đó. Đó là nhà của Ngài.… Đó là nơi thuộc về Cha Thiên Thượng, Con Trai của Ngài và các gia đình của chúng ta, được chuẩn bị sẵn có vĩnh viễn qua Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô.”
Anh Cả Andersen kết thúc buổi họp chỉ dẫn dành cho giới lãnh đạo với một phước lành từ một Sứ Đồ. Trong phước lành này, ông nói rằng “mọi nỗ lực nhỏ để cố gắng giúp đỡ người mới cải đạo, người con mới của Cha Thiên Thượng, là người đã bước vào nước báp têm [và] giúp người đó tìm đường vào Nhà của Chúa sẽ không những ban phước cho người đó—mà tôi hứa rằng nỗ lực đó sẽ ban phước cho anh chị em. Điều này sẽ ban phước cho các tín hữu trong tiểu giáo khu của anh chị em. Đức tin của anh chị em nơi Chúa Giê Su Ky Tô sẽ gia tăng.”
Toàn bộ buổi họp chỉ dẫn dành cho giới lãnh đạo chỉ dài khoảng 28 phút. Trong một cuộc phỏng vấn được thực hiện ngay sau khi buổi họp được phát sóng, Anh Cả Hamilton nói rằng phần phát sóng đến từ sự soi dẫn sâu sắc, lời khuyên bảo chu đáo mang tính thuộc linh, và được Thánh Linh hướng dẫn. Ông lưu ý rằng việc nhận được sự hướng dẫn từ lời khuyên dạy được đưa ra có thể là một kinh nghiệm tuyệt vời cho tất cả những người liên quan.
Tại FamilySearch chúng tôi quan tâm đến việc kết nối bạn với gia đình bạn, và chúng tôi cung cấp miễn phí những trải nghiệm khám phá thú vị cũng như các dịch vụ lịch sử gia đình. Tại sao? Vì chúng tôi trân quý gia đình và tin rằng việc kết nối các thế hệ có thể cải thiện cuộc sống của chúng ta bây giờ và vĩnh viễn. Chúng tôi là một tổ chức phi lợi nhuận được tài trợ bởi Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. Để tìm hiểu thêm về niềm tin của chúng tôi, vui lòng bấm vào đây.