Thật khó khi nhìn những người chúng ta quan tâm già đi, đặc biệt là khi tuổi tác dẫn đến bệnh tật hoặc suy giảm tinh thần. Buồn thay, một chứng bệnh phổ biến mà nhiều người cao tuổi phải đối mặt là chứng sa sút trí tuệ. Vì sa sút trí tuệ là một loại bệnh mãn tính tiến triển, nên tình trạng của người mắc hội chứng này luôn thay đổi. Sự thay đổi liên tục này có thể khiến chúng ta khó để biết phải nói gì hoặc làm thế nào để tương tác với người thân yêu của mình. Nếu bạn đang tìm kiếm các chỉ dẫn, thì đây là một số lời khuyên hữu ích về cách để trò chuyện với người mắc chứng sa sút trí tuệ.
Các Kỹ Thuật Giao Tiếp được Sử Dụng Khi Trò Chuyện với Một Người Mắc Chứng Sa Sút Trí Tuệ
Mỗi người mắc chứng sa sút trí tuệ đều có nhu cầu khác nhau, và sẽ tùy thuộc vào việc bạn sử dụng sự phán đoán tốt nhất của mình và đánh giá những gì cần thiết đối với từng tình huống riêng của người thân yêu của bạn.
Hãy nhớ rằng chứng sa sút trí tuệ là một hội chứng khó lường trước và các giai đoạn của triệu chứng sa sút trí tuệ có thể xảy ra mà không có bất kỳ tác nhân thực sự nào. Tuy nhiên, có những điều bạn có thể làm để tránh gây kích động về mặt cảm xúc. Tránh đưa những người thân yêu của bạn vào một môi trường xa lạ hoặc quá sức chịu đựng, và hãy làm những gì bạn có thể để giảm bớt bất kỳ nỗi đau hoặc sự mơ hồ nào mà họ có thể đang gặp phải.
Khi bạn trò chuyện, thì đây là một số điều thông thường nên và không nên làm mà có thể giúp ích.
Những Điều cần Ghi Nhớ
- Hoạch định khoảng thời gian thích hợp để thăm viếng. Cố gắng không vội vàng hoặc căng thẳng; một môi trường thoải mái sẽ giúp cuộc trò chuyện diễn ra suôn sẻ hơn. Nếu mọi việc diễn ra với nhịp độ chậm hơn so với trước đây thì cũng là điều bình thường.
- Giữ thái độ quan tâm và lạc quan. Việc kiểm soát cảm xúc của chính mình có thể rất khó khi người mà bạn quan tâm đang mắc phải căn bệnh thoái hóa, nhưng đây là thời điểm mà họ cần sự hỗ trợ của bạn hơn bao giờ hết.
- Ngồi hoặc đứng ngang tầm mắt hoặc thấp hơn so với người thân yêu của bạn. Cố gắng không đứng cao hơn những người thân yêu của bạn, vì điều đó có thể đáng sợ. Thay vào đó, hãy tiếp xúc với họ ngang tầm mắt hoặc thấp hơn để tạo ra một môi trường bình đẳng, thoải mái. Duy trì giao tiếp bằng mắt.
- Tạo một môi trường thoải mái để trò chuyện. Loại bỏ bất cứ điều gì gây xao lãng, chẳng hạn như truyền hình, âm nhạc, hoặc các thông báo trên điện thoại. Sự phân tâm sẽ làm loãng bầu không khí của cả bạn và người thân yêu của mình, và đặc biệt khiến người thân yêu của bạn khó tập trung vào cuộc trò chuyện.

- Hãy kiên nhẫn và cho người thân yêu của bạn có thời gian để trả lời. Những người bị mắc chứng sa sút trí tuệ có thể mất nhiều thời gian hơn để trả lời; cố gắng tránh không kết thúc câu thay cho họ hoặc cắt ngang những gì họ đang nói.
- Tập lắng nghe chủ động. Duy trì giao tiếp bằng mắt, lặp lại với người thân yêu của bạn những điều đã nói, và sử dụng ngôn ngữ cơ thể để thể hiện sự quan tâm của bạn đối với những gì mà người thân yêu của bạn đang nói.
- Nói câu ngắn gọn, rõ ràng. Việc đưa ra quá nhiều ý kiến cùng một lúc có thể khiến người thân yêu của bạn choáng ngợp hoặc bối rối. Thay vào đó, hãy cố gắng tập trung vào từng chủ đề một.
Những Điều cần Tránh
- Đừng tranh luận hoặc phủ nhận những gì mà người thân yêu của bạn đang nói, ngay cả khi bạn biết điều đó không chính xác. Ký ức sai lệch, ảo giác, hoang tưởng và thậm chí thay đổi thời gian—hành động như thể họ đang sống trong nửa đời trước của mình—không phải là hiếm đối với những người mắc chứng sa sút trí tuệ. Việc cố gắng sửa đổi những điều này có thể dẫn đến đau buồn và hoang mang nhiều hơn. Thay vì thế, hãy chuyển hướng cuộc trò chuyện.
- Đừng hành động như đối xử với trẻ con hoặc có thái độ xem thường. Điều này có nghĩa là đối xử với người đó như một trẻ nhỏ không hiểu, hoặc hành động trịch thượng hay hạ thấp họ. Người thân yêu của bạn có thể hiểu nhiều hơn bạn nghĩ, và việc đưa ra những giả định không chính xác cuối cùng rồi sẽ gây ra cảm giác tổn thương.
- Đừng nói thay cho người thân yêu của bạn, đặc biệt là khi nói đến nhu cầu y tế. Tôn trọng họ, cho họ tự nói lên những cảm xúc, thắc mắc và mối quan tâm của riêng họ.
- Đừng nói lớn tiếng, trừ khi người thân yêu của bạn có vấn đề về thính giác. Nói lớn tiếng hơn không phải lúc nào cũng có nghĩa là rõ ràng hơn, và việc hét lên không làm cho bạn hiểu nhiều hơn—trên thực tế, nó có thể làm ngược lại! Tất nhiên, nếu người mà bạn đang trò chuyện gặp khó khăn trong việc lắng nghe, bạn có thể tăng âm lượng lên một chút.
- Đừng hỏi người thân yêu của bạn liệu họ có nhớ điều gì đó không. Việc yêu cầu hoặc khăng khăng rằng người thân yêu nhớ một sự kiện trong quá khứ có thể gây ra hoang mang và đau buồn.

- Đừng ngắt lời hoặc nói xen vào. Làm như vậy có thể khiến người thân yêu của bạn mất đi dòng suy nghĩ của họ, khiến cuộc trò chuyện hoàn toàn kết thúc. Đừng sợ sự im lặng; sự kiên nhẫn của bạn sẽ được trân trọng.
- Đừng quên họ đang ở trong phòng. Trong môi trường nhóm, những người mắc chứng sa sút trí tuệ có thể gặp khó khăn trong việc theo kịp nhiều cuộc trò chuyện có nhịp độ nhanh xoay quanh họ. Hãy cố gắng để người thân yêu của bạn tham gia vào cuộc trò chuyện và khuyến khích người ấy tham gia với những người khác.
Các Câu Hỏi và Chứng Sa Sút Trí Tuệ
Câu hỏi là một phần quan trọng trong giao tiếp; tuy nhiên, bên cạnh đó việc hỏi quá nhiều câu hỏi có thể là quá sức chịu đựng đối với người mắc chứng sa sút trí tuệ. Bạn có thể cần phải hỏi một vài câu hỏi trong nhiều lần đến thăm thay vì cố gắng đặt ra quá nhiều câu hỏi trong một lần đến thăm.
Nếu bạn phải đặt câu hỏi, hãy cố gắng đặt câu hỏi đơn giản và tránh đặt câu hỏi buộc phải nhớ lại. Rất nhiều điều sẽ tùy thuộc vào tình hình và tùy thuộc những người thân yêu của bạn. Các câu hỏi mang tính bao quát có thể tốt hơn đối với một số tình huống, và trong các tình huống khác thì những câu hỏi cụ thể sẽ tốt hơn. Mấu chốt cần nhớ là làm cho cuộc trò chuyện giảm thiểu căng thẳng nhất có thể đối với người thân yêu của bạn và tránh gợi nhắc lại kỷ niệm hoặc làm cho họ nhận thức được thực tại là họ không thể nhớ điều gì đó.
Khi đặt những câu hỏi liên quan đến hiện tại, hãy cố gắng tránh các câu hỏi mở. Thay vào đó, hãy đặt những câu hỏi mà có thể được trả lời là “có” hoặc “không.” Ví dụ, thay vì hỏi: “Ông/bà muốn ăn trưa vào lúc nào?”—ví dụ—hãy thử nói, “Ông/bà có muốn ăn trưa ngay bây giờ không?”
Một phương thức khác là đưa ra các lựa chọn cụ thể. Một số chứng sa sút trí tuệ khiến người bệnh khó nhớ được ngôn từ để diễn đạt sự việc, vì vậy việc đưa ra cho họ các lựa chọn cụ thể sẽ giúp họ tránh bị thất vọng khi không thể tìm được ngôn từ mà họ muốn nói. Ví dụ, hãy đặt những câu hỏi như “Ông/bà muốn món salad hay bánh mì sandwich cho bữa trưa?” hoặc “Ông/bà muốn mở cửa sổ hay đóng lại?”
Cách để Hỏi Một Người Bị Mắc Chứng Sa Sút Trí Tuệ về Lịch Sử Gia Đình
Nếu bạn có câu hỏi cho người thân yêu của mình về lịch sử gia đình, thì hãy tránh việc phỏng vấn hay thẩm vấn. Hãy nhớ rằng, các câu hỏi trực tiếp có thể khiến cho người mắc chứng sa sút trí tuệ đau buồn vì một số người mắc chứng sa sút trí tuệ nhận thức được rằng họ không thể nhớ và họ sẽ thấy ưu phiền. Đừng quá lo lắng về các chi tiết và đừng tham gia vào cuộc trò chuyện với kỳ vọng nghe một câu chuyện rành mạch. Các thông tin chi tiết về cuộc sống của người thân yêu của bạn thường có thể được tìm thấy từ các nguồn khác—các thành viên khác trong gia đình, các hồ sơ chính thức, nhật ký hoặc thậm chí các nguồn như những trích đoạn trong các tờ báo. Thế nên, hãy tập trung vào cảm xúc của người thân yêu của bạn và những kỷ niệm mà họ trân trọng.
Cố gắng tránh hỏi thẳng họ về một kỷ niệm. Chia sẻ những kỷ niệm của riêng bạn để bắt đầu cuộc trò chuyện, và mời người thân yêu của bạn chia sẻ nếu họ cảm thấy thoải mái. Ví dụ, thay vì hỏi: “Ông/bà có nhớ trận bão tuyết mà chúng ta đã trải qua vào Giáng Sinh năm 2014 không?”, bạn có thể nói, “Con nhớ có năm Giáng Sinh mà tuyết rơi dày đặc, chúng ta đã chơi các trò chơi cờ bàn suốt cả đêm—đó thật là khoảng thời gian thật tuyệt vời!”
Nếu bạn đặt câu hỏi, thì hãy đặt câu hỏi mang tính khái quát thay vì hỏi về các sự kiện hoặc tình huống cụ thể. Thay vì hỏi, “Mẹ của ông/bà tên là gì?” thì tốt hơn là hỏi, “Ông/bà có một kỷ niệm đáng nhớ nào trong thời thơ ấu của mình không?”

Dưới đây là một vài chủ đề mà bạn có thể muốn thử tìm hiểu:
- Những kỷ niệm đáng nhớ về các thành viên khác trong gia đình, như cha mẹ, anh chị em ruột, hoặc con cái
- Sở thích và đam mê
- Các quyển sách, các bộ phim hoặc chương trình truyền hình yêu thích
- Các kỷ niệm đáng nhớ của thời thơ ấu
- Những thử thách và khó khăn trong cuộc sống của họ
- Những ngày lễ, các truyền thống của gia đình, hoặc truyền thống tôn giáo
- Lịch sử công việc làm hoặc nghề nghiệp
- Học vấn
- Lịch sử quân đội
- Thành tựu đáng tự hào nhất
- Những bài học quan trọng nhất mà họ đã học được trong cuộc sống
Hãy lưu ý đến cảm nghĩ của những người thân yêu khi cả bạn và họ cùng hồi tưởng. Hãy dành nhiều thời gian cho họ như họ muốn hoặc cần để trò chuyện. Tuy nhiên, nếu bạn có thể nhận thấy rằng họ đang dần mệt mỏi hoặc bị kích động, thì đừng thúc ép họ. Thay đổi chủ đề hoặc kết thúc buổi thăm viếng để họ có thể nghỉ ngơi.
Dường như có thể rất khó, nhưng công việc này rất đáng để làm. Việc ghi lại lịch sử gia đình của một người thân yêu có thể có lợi cho cả bạn lẫn họ. Trên thực tế, một nghiên cứu năm 2018 cho thấy sách lưu giữ kỷ niệm hoặc những cuốn hồi ký rất hữu ích cho bệnh nhân sa sút trí tuệ, bao gồm cải thiện tâm trạng, chất lượng cuộc sống, giao tiếp và trí nhớ tự truyện.
Cách để Giúp Người Mắc Chứng Sa Sút Trí Tuệ Ghi Lại Kỷ Niệm của Họ
Với một chút chuẩn bị, bạn có thể đảm bảo rằng cuộc trò chuyện về lịch sử gia đình của mình với người thân yêu của mình có hiệu quả, nâng cao tinh thần, và quan trọng nhất là được bảo tồn. Sau đây là một vài lời khuyên để giúp bạn bắt đầu:

- Sử dụng công nghệ hiện đại để ghi lại những điều họ nói, chẳng hạn như thiết bị đọc chính tả, điện thoại hoặc máy quay video. Phần ghi âm này sẽ giữ lại kỷ niệm cho cả bạn và họ. Cân nhắc tải lên những gì bạn ghi lại vào Memories của FamilySearch để đảm bảo rằng nó không bị mất.
- Sử dụng các phương tiện trực quan như hình ảnh hoặc video để giúp gợi nhớ và hướng dẫn cuộc trò chuyện. Cùng nhau nói về những bức ảnh này. Tránh những câu hỏi như, “Ông/bà có nhớ người này là ai không?” bởi vì nó có thể khiến những người thân yêu của bạn đau buồn hoặc hoang mang nếu họ không thể nhớ được. Thay vào đó, hãy gợi lại những kỷ niệm của riêng bạn về sự kiện được chụp trong bức ảnh hoặc nhận xét về những gì bạn thấy trong bức ảnh. Các dụng cụ hỗ trợ âm thanh, chẳng hạn như các bản nhạc trong thời tuổi trẻ của người thân yêu của bạn, cũng có thể hữu ích tương tự.
- Hãy thừa nhận rằng một số ký ức có thể không chính xác. Như đã đề cập ở trên, có những ký ức sai lệch—hoặc nhầm lẫn như được biết đến trong y học—là một triệu chứng được biết đến của chứng sa sút trí tuệ. Nếu bạn có câu hỏi về độ chính xác trong trí nhớ của người thân yêu về một sự kiện, hãy thử tìm một câu chuyện phụ để so sánh.
Lưu Giữ Kỷ Niệm của Người Thân Yêu trên FamilySearch.org
Khi bạn tìm cách thu thập những kỷ niệm của người thân yêu của mình, hãy cân nhắc việc lưu giữ chúng trong Memories của FamilySearch bằng một tài khoản FamilySearch miễn phí. Việc ghi lại và tải lên những kỷ niệm bây giờ sẽ không chỉ mang lại lợi ích cho người thân yêu, cho người chăm sóc và gia đình của bạn theo vô số cách, mà còn lưu lại những kỷ niệm và di sản của họ cho các thế hệ mai sau.
Tại FamilySearch chúng tôi quan tâm đến việc kết nối bạn với gia đình bạn, và chúng tôi cung cấp miễn phí những trải nghiệm khám phá thú vị cũng như các dịch vụ lịch sử gia đình. Tại sao? Vì chúng tôi trân quý gia đình và tin rằng việc kết nối các thế hệ có thể cải thiện cuộc sống của chúng ta bây giờ và vĩnh viễn. Chúng tôi là một tổ chức phi lợi nhuận được tài trợ bởi Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. Để tìm hiểu thêm về niềm tin của chúng tôi, vui lòng bấm vào đây.